Những điều thu hút du khách tới xứ cà phê trắng

Bang Perak của Malaysia được trang du lịch Lonely Planet bình chọn là “một trong 10 khu vực đáng thăm quan trên thế giới” năm 2017, và hành trình khám phá nên bắt đầu từ thủ phủ Ipoh.

Xem thêm: du lịch Malaysia tại đây hoặc liên hệ 1800 6700 để được tư vấn miễn phí về các tour du lịch bạn nhé.

Tàu điện ETS khởi hành từ nhà ga trung tâm Kuala Lumpur (KL Sentral) đi Ipoh luôn đúng thời điểm trên vé. Sau 2 tiếng đồng hồ rưỡi, tàu đến nhà ga Ipoh tọa lạc ngay phố cổ.

Nhà ga Ipoh có từ năm 1917, được ví như “Taj Mahal của Ipoh” do tòa nhà xây theo phong cách nghệ thuật Morocco – xu hướng kiến trúc khai thác từ hình tròn, thay vì hình vuông hay hình chữ nhật như các phiên bản khác của nghệ thuật Hồi giáo

Ipoh là thủ phủ của bang Perak, gồm phố cũ (Old Town) và phố mới (New Town). Hai nơi được ngăn cách bởi sông Kinta. Phố cũ được nhận biết qua những tòa nhà thấp mang nét kiến trúc thuộc địa Anh có từ 100 năm kia, điển hình là các tòa ngân hàng. Phố mới có các cao ốc nhộn nhịp với rất nhiều nhà hàng, quán ăn hiện đại và sầm uất.

Ipoh giống Penang ở một số đường và hẻm nhỏ, du khách sẽ tìm thấy những tranh tường vẽ theo hiệu ứng đánh lừa thị giác. Các tranh tường nổi tiếng ở Ipoh chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng cũng đủ toát lên nét độc đáo của nó. Cần kể đến là tranh “Ông chú với cốc cà phê trắng”, bởi Ipoh nổi tiếng với cà phê trắng truyền thống thơm ngon.

Ngoài ra khách du lịch có thể ngắm các bức tranh tường khác như "Sự tiến triển” vẽ bên hông bảo tàng trà Ho Yar Ho trên phố Bijeh Timah, hay tranh “Bé gái” trên phố Bandar Timah rất dễ thương.

Hẻm Market Lane tên cũ là Second Concubine mang lại sự hào hứng cho lữ khách, khi thấy những chiếc ô trắng và đỏ treo đan xen thành từng hàng trên cao, trông rất bắt mắt. Đây là một nét văn hóa đặc trưng của thành phố Ipoh.
Đối diện Market Lane là hẻm nhỏ lâu đời Panglima. Ban ngày, nơi đây luôn nhộn nhịp khách tới chụp hình, mua những món quà lưu niệm xinh xắn, ghé các tiệm kem và cà phê.

Ngang dọc quanh các hẻm nhỏ, du khách thỏa thích chụp những tấm ảnh kỷ niệm cực "chất" bên các mảng tường rêu phong. Phố cũ ở Ipoh còn là 1 trong những điểm lý tưởng cho các cặp đôi đến chụp ảnh cưới.

Để tìm hiểu về lịch sử phát triển Ipoh, du khách đến hai bảo tàng trên tuyến đường Bijeh Timah. Bảo tàng Ho Yar Hor xây vào khoảng thời gian 1941 nơi mà ông Ho Yar Hor khởi nghiệp với trà và thảo dược. Ngày nay, nhà máy sản xuất trà của gia tộc ông vẫn xuất khẩu với số lượng lớn ra nước ngoài.

Kế bên là bảo tàng Han Chin Pet Soo, 120 năm trướctừng là câu lạc bộ giải trí dành cho tầng lớp thượng lưu người Hoa tại Ipoh (thường chủ của những mỏ thiếc). Tòa nhà trưng bày những cổ vật như bộ bàn ghế, đèn chùm nhập từ châu Âu, cũng giống như tái hiện các mô hình giải trí như phòng chơi bài, mạt chược, phòng hút ống điếu…

Một kiến trúc lâu đời ở ngoại ô Ipoh là chùa hang Kek Look Tong, theo tiếng Malaysia có nghĩa “hang động hạnh phúc”. Đường dẫn vào hang là hai dãy cầu thang có hình đuôi cá chép. Bên trong lòng hang tượng trưng cho dạ dày con cá – chứa tất cả sự may mắn và hạnh phúc. Trong hang có rất nhiều tượng Phật và tượng của các vị Lão giáo bằng đồng, thủy tinh cùng các nhũ đá nhiều hình thù.

Chùa Sam Poh Tong được thành lập từ năm 1912, là chùa thờ Phật của cộng đồng người Hoa tại Ipoh, tọa lạc bên trong ngọn đồi đá vôi. Ngày nay, chùa là 1 trong điểm du lịch tham quan nổi tiếng và thu hút du khách. Phía trước chùa là khu vườn cây cảnh, hồ nước với nhiều cá bơi lội tung tăng.

Lâu đài Kellie mang tên ông William Kellie Smith người Scotland, với lối kiến trúc kết hợp giữa 3 nền văn hóa của quê hương ông, Morocco và Ấn Độ. Tất cả vật liệu xây lâu đài được nhập từ Ấn Độ. Lâu đài có rất nhiều lỗ tròn trên tường gạch bảo phủ, do xưa kia kỹ thuật xây dựng chưa hiện đại, người dân dùng những cây gỗ dài, cắm chúng vào những lỗ tròn trên tường để làm dàn giáo.

Ẩm thực Ipoh cũng là nét cuốn hút du khách nhờ có các món ngon và lâu đời. Quán Lou Wong trên tuyến phố Bandar Timah 60 năm bán cơm gà luộc và gà quay ăn kèm với nước chấm sốt ớt. Giá đồ ăn 5,5 RM 1 phần (30.000 đồng). Cùng trên phố này, quán Nam Heong nổi danh với cà phê trắng cùng các món bánh tráng miệng.

Theo vnexpress